Chủ trì Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; tham dự có Bà H Ngăm Niê KĐăm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, GS.TS. Lê Quang Cường; Đồng chí Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Tư lệnh Quân khu 7, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trường, Ban quản lý Dự án chăm sóc sức khoẻ nhân dân Tây Nguyên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên; Lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, các trung tâm chuyên khoa 5 tỉnh Tây Nguyên.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi Hội nghị
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh với 61 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 726 xã, thị trấn, 7.813 thôn, buôn, làng có gần 5,46 triệu người thuộc 54 dân tộc anh em đã được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các địa phương nên đã có những chuyển biến quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống về vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng không ngừng được cải thiện. Trong đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Nguyên cũng đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Cơ sở vật chất của Ngành Y tế của các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng lên trên 3 lần, hệ thống mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, 100% số xã có trạm y tế. Đội ngũ cán bộ y tế cũng được tăng cường, hiện có trên 18.325 người đang làm việc ở các tuyến (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011). Mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng, số nhân viên y tế thôn, buôn, làng không ngừng tăng lên, 100% số xã đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi làm việc, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc đạt trên 79%, trong đó tỉnh Đắk Lắk có gần 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Toàn vùng Tây Nguyên hiện nay cũng đã có trên 66,25% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các dịch bệnh thường lưu hành trong khu vực như sốt rét, phong, lao, bướu cổ, dịch tả, dịch hạch… đã được khống chế. Công tác khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 139, 14 của Thủ tướng Chính phủ đã được quan tâm, nhất là cải tiến về thủ tục, tạo thuận lợi cho đồng bào đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập…
Bà HNgăm Niê KĐăm, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bà HNgăm Niê KĐăm, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong việc huy động các nguồn lực nhằm tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các Bộ, Ngành, Trung ương và địa phương cần tiếp tục triển khai chủ trương chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, tăng cường đào tạo và bổ sung nhân lực y tế cho vùng khó khăn. Tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương khu vực Tây Nguyên ưu tiên huy động mọi nguồn lực để giúp Ngành Y tế tăng cường thêm trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, tăng cường truyền thông về các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực một cách bền vững, hiệu quả.
Phát biểu kết luận tại hội nghị PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế, đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tỉnh ủy, UBND và Ngành Y tế các tỉnh trong khu vực đã triển khai tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, qua khảo sát, đánh giá tình hình y tế thôn, buôn, làng và công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn Tây Nguyên, cho thấy cơ sở vật chất, chất lượng y tế ở tuyến cơ sở ở một số khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ trẻ tử vong (IMR) ở Tây Nguyên còn cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức trên 30%, trong đó, tỉnh Kon Tum tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn chiếm tỷ lệ cao nhất là trên 41,5%.... Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bộ trưởng đề nghị:
- Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo chỉ thị 06 của Ban Bí thư; tập trung các giải pháp đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc về y tế vào năm 2015; về lĩnh vực dự phòng cần kiện toàn và tăng cường năng lực của các trung tâm thuộc hệ dự phòng tuyến tỉnh; về lĩnh vực khám chữa bệnh cần sớm hoàn thành bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và bệnh viện đa khoa khu vực tuyến tỉnh trực thuộc Sở;
-Tiếp tục triển khai chính sách đào tạo để bổ sung cán bộ y tế cho các địa phương, tăng cường luân phiên cán bộ tuyến trên về tuyến dưới, phối hợp với việc thực hiện chính sách thu hút cán bộ phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả và ổn định nguồn nhân lực y tế ở cơ sở. Đồng thời, mở rộng hình thức đào tạo này để đào tạo các chuyên khoa định hướng, chuyên khoa kỹ thuật cao cho các địa phương.
-Ưu tiên đầu tư trang thiết bị máy móc thiết yếu cho các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm y tế dự phòng, phấn đấu các Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh ở vùng Tây Nguyên đạt chuẩn Quốc gia
- Phấn đấu thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ, công khai giá dịch vụ y tế để tăng cường nguồn lực cho đầu tư trang thiết bị, chất lượng dịch vụ thì người nghèo mới thực sự được hưởng lợi về chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thông qua việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế với chất lượng dịch vụ y tế cao hơn.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, thăm Ban chỉ đạo Tây Nguyên
Buổi chiều cùng ngày Bộ trưởng và Đoàn công tác Bộ Y tế thăm và làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Nguồn: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế